Xích thược, còn được biết đến với tên gọi mẫu đơn đỏ, thược dược hay xuyên xích thược (Paeonia lactiflora Pall), là một vị thuốc quan trọng trong Y học cổ truyền. Xích thược được sử dụng trong nhiều bài thuốc để kháng viêm, giảm đau và cầm máu.
Nhận diện cây xích thược và dược liệu
Xích thược là cây thân thảo sống lâu năm, dễ nhận biết bởi chiều cao trung bình 50 – 80cm, lá kép lông chim màu xanh đặc trưng, và những bông hoa đơn độc lớn với cánh hoa màu hồng nhạt dần sang trắng, tỏa hương thơm dịu. Quả của cây chứa 3 – 5 lá noãn.
Phần rễ cây, đặc biệt là những rễ có kích thước lớn, dài và chứa nhiều bột, là bộ phận chính được sử dụng làm dược liệu. Rễ xích thược có hình trụ, hơi cong, với lớp vỏ màu nâu nhăn và các rãnh dọc. Bên trong, rễ có màu hồng nhạt hoặc trắng phấn, chất cứng giòn.
Dược liệu được thu hái chủ yếu từ những cây trên 4 năm tuổi vào khoảng tháng 6 – 10. Sau khi thu hoạch, rễ được sơ chế bằng cách loại bỏ rễ con, gọt vỏ, rửa sạch và có thể được chế biến bằng cách đồ chín, ủ mềm thái lát rồi dùng tươi hoặc sao tẩm tùy theo mục đích sử dụng.
Tác dụng dược lý nổi bật
– Trong Y học hiện đại: Các nghiên cứu cho thấy dịch chiết từ xích thược có khả năng giảm đau, chống co thắt cơ trơn (tại tử cung, ruột, dạ dày), kháng khuẩn và kháng virus (với nhiều tác nhân gây bệnh), tăng cường lưu thông máu, giảm áp lực tĩnh mạch cửa, và có tác dụng hạ sốt, kháng viêm nhờ hoạt chất Paeniflorin. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra tiềm năng hỗ trợ điều trị ung thư khi phối hợp với các thuốc khác, nhưng cần thêm nhiều nghiên cứu.
– Trong Y học cổ truyền: Xích thược có tính hơi hàn, vị chua đắng, tác động vào kinh Tỳ và Can. Vị thuốc này có công năng giảm đau, thanh nhiệt, hoạt huyết, điều kinh. Tùy vào cách chế biến (dùng tươi, sao rượu, sao giấm), xích thược còn có tác dụng lương huyết, cầm máu, hoặc trị bế kinh, đau bụng.
Ứng dụng trong điều trị bệnh
Nhờ những tác dụng dược lý trên, xích thược được sử dụng trong nhiều bài thuốc để điều trị các chứng bệnh khác nhau:
– Giảm đau bụng kinh, điều trị khí hư, băng huyết (kết hợp với các vị thuốc khác).
– Thành phần trong các bài thuốc trị đau lưng, đau gối, bong gân, gãy xương.
– Điều trị đau thắt ngực do bệnh mạch vành (kết hợp với các vị thuốc hoạt huyết).
– Hỗ trợ điều trị mụn nhọt, sưng đau (dùng trong uống hoặc bôi ngoài).
– Điều trị đau bụng, loét dạ dày (kết hợp với các vị thuốc khác).
– Hỗ trợ điều trị tiểu buốt, tiểu đau, viêm tuyến tiền liệt, đau mắt đỏ.
Xích thược thường được sử dụng với liều lượng dao động từ 6 đến 12 gram mỗi ngày, tùy thuộc vào bài thuốc và tình trạng bệnh.
Lưu ý khi sử dụng
Mặc dù là vị thuốc chữa bệnh hữu ích nhưung khi sử dụng xích thược các thầy thuốc Đông y cũng có một số lưu ý:
– Người có thể trạng hư hàn, phụ nữ có thai (cần tham khảo ý kiến bác sĩ), người dị ứng với thành phần của thuốc.
– Nếu đang sử dụng các loại thuốc khác cần thông báo cho bác sĩ trước khi sử dụng.
– Tránh dùng chung với lê lô.