Từ nhiều năm trước, nguồn nguyên liệu làm Thuốc trong Đông Y chủ yếu được lấy từ các loại thảo dược trên đất liền. Tuy nhiên, có những hoạt chất lấy từ các sinh vật biển có tác dụng mạnh gấp hàng trăm lần so với các chất lấy từ sinh vật trên cạn.
Khai thác sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên sinh vật biển
Trong chiến lược phát triển kinh tế biển, chúng ta chỉ quan tâm chủ yếu tới những loài sinh vật biển có giá trị thực phẩm, mà ít chú ý tới giá trị cung cấp các chất có hoạt tính sinh học cao để làm thuốc. Trong số đó, nhóm sinh vật đã biết có chứa các chất hoạt tính sinh học tiềm năng rất phong phú (như hải miên, san hô mềm…), kể cả những sinh vật có độc tố (như cá nóc, rắn biển, xoang tràng…).
Đại dương chính là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu làm thuốc vô tận cho ngành dược. Các nhà hóa học và Y dược học Việt Nam đang hy vọng sẽ tìm ra những loại thuốc thế hệ mới được điều chế từ các sinh vật biển để chữa trị những căn bệnh nan y hiện nay. Biển Việt Nam có khá nhiều loài động vật và thực vật được sử dụng để làm thuốc. Dưới đây, chỉ xin kể một vài bài thuốc phổ biến từ biển mà chúng ta đã nghe tên.
Rong mơ
Rong mơ chứa nhiều muối vô cơ, trong đó có asen, kali… và đặc biệt iod (45,3 – 60mg%), acid alginic, alginat, 1-2% lipid và khoảng 10-11% protein.
Do chứa nhiều iod nên rong mơ được dùng để chế ra thuốc iotamin (chứa 50-70 microgram iod, ngày dùng 2-4 viên, trong 3-5 tháng) để chữa bệnh bướu cổ. Từ lâu, rong mơ cũng được dùng trong y học cổ truyền. Theo Đông y, rong mơ vị đắng, mặn, tính lạnh; vào các kinh vị, can, thận; có tác dụng tiêu đờm, lợi thủy; dùng làm thuốc chữa tràng nhạc, bướu cổ, thủy thũng, cước khí. Ngày dùng 8-12g, dưới dạng thuốc sắc, hoặc viên hoàn. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
Cá ngựa
Cá ngựa có tác dụng làm ấm thận, tráng dương, gây hưng phấn, tốt cho quan hệ tình dục, chữa Bệnh phụ nữ hiếm muộn. Ngày dùng 4-12g, chia làm 3 lần, dưới dạng thuốc sắc hoặc tán bột uống. Dùng riêng hoặc phối hợp với dâm dương hoắc, kỷ tử, ba kích, nhân sâm,…
Hải sâm
Đây là động vật không xương sống, thân mềm, có dạng ống, dài khoảng 20cm như quả dưa (tiếng Anh gọi là Sea cucumber – Dưa biển), bên ngoài có nhiều gai thịt nhỏ. Hải sâm không chỉ là một loại thực phẩm biển cao cấp, giàu chất dinh dưỡng, mà còn là một vị thuốc quý, được gọi là “Nhân sâm của biển”.
Theo Đông y, hải sâm có vị mặn, tính ấm, đi vào các kinh tâm, tỳ, thận và phế; có tác dụng bổ thận, tráng dương, ích tinh, sát khuẩn, dưỡng huyết, nhuận táo; dùng cho người có thể trạng gầy yếu, suy nhược, viêm phế quản; các chứng chảy máu, ho, liệt dương, di tinh, mộng tinh, tiểu tiện nhiều lần, táo bón, lỵ kinh niên. Thường dùng dưới dạng nướng giòn, tán thành bột, ngày uống 12-20g, chia 3 lần.
Rắn biển
Từ những năm 60 của thập kỷ trước, nghiên cứu chế rượu thuốc từ rắn biển, gồm 3 loài: đẹn cơm, đẹn khoanh và đẹn vết. Mỡ rắn biển cũng được dùng làm thuốc chữa bỏng. Người Nhật rất thích món ăn từ rắn biển và nó cũng được coi là vị thuốc.
Nước ta có nguồn tài nguyên làm thuốc rất phong phú và đa dạng, chúng có ở khắp nơi trên đất liền và cả dưới biển. Các nhà khoa học cần tiếp tục điều tra, bảo tồn, khai thác bền vững và nghiên cứu làm ra thuốc để phòng và chữa bệnh cho con người.
Nguồn: bacsinoitru.com