Các bệnh mắc chứng can mộc khắc tỳ thổ thường gặp như: hiếp thống, tiết tả, phúc thống, kinh nguyệt không đều, cổ trướng, đới hạ…
- Củ ấu một vị thuốc đông Y giúp “trường sinh” không phải ai cũng biết
- Một số bài thuốc đơn giản chữa say nắng, say nóng hiệu quả
- Những bài thuốc dân gian làm đẹp tóc và trị hói hiệu quả
Một số chứng can mộc khắc tỳ thổ trong Đông y
Nguyên nhân chính là do can khí lấn tỳ thổ, can uất khí trệ, tỳ mất sự kiện vận, hoặc do tỳ hư thấp tà ấp ủ, dẫn đến thổ ủng tắc. Mộc bị uất, làm cho công năng của hai tạng can và tỳ không điều hòa mà sinh bệnh. Bệnh phần nhiều nguyên nhân do cáu giận, uất ức làm tổn hại đến can, dẫn đến ăn uống kém, mệt nhọc, tư lự quá độ làm tổn thương tỳ mà sinh ra bệnh.
Biểu hiện: Bệnh nhân hay thở dài, ngực sườn trướng đầy đau, tinh thần ức chế, hay thở dài, hoặc tâm phiền dễ cáu giận, ăn uống kém,miệng đắng họng khô, đại tiện phân nhão, bụng trướng đầy, hay trung tiện, sôi bụng, hoặc đau bụng tiêu chảy, rêu lưỡi trắng hoặc nhớt, mạch huyền. Tùy từng chứng trạng mà dùng bài thuốc phù hợp như sau:
Do can mất sự điều đạt, khí cơ không lợi, mất chức năng sơ tiết
Triệu chứng: Khi đau ở mạng sườn chủ yếu là trướng đau, đau xiên suốt cả vùng ngực. Cơn đau xuất hiện khi cáu giận, uất ức thì bệnh nặng thêm, nếu bệnh lâu ngày không được điều trị thì can khí lấn tỳ thổ, ngoài các chứng đau còn kèm chứng ăn kém, tay chân bứt rứt, khó chịu mắt và mặt phù nhẹ.
Điều trị: Sơ can lý khí kiện tỳ.
Bài thuốc Y học cổ truyền: Sài hồ sơ can tán gia thêm các vị kiện tỳ. Sài hồ 8g, chỉ xác 6g, bạch thược 6g, trần bì 8g, cam thảo (chích) 4g, hương phụ 8g, xuyên khung 6g. Gia bạch truật 12g, bạch linh 8g. Tùy chứng trạng của bệnh nhân có thể gia thêm các vị khác và dùng liều lượng cho thích hợp. Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày uống trước khi ăn.
Do tỳ khí hư yếu, hoặc mắc chứng thực trệ (tích trệ của thức ăn)
Triệu chứng: Bệnh nhân ngực sườn bí đầy, ợ hơi, ăn kém, hay cáu giận, uất ức, tinh thần bị căng thẳng sinh chứng đau bụng tiêu chảy.
Phép trị: Ức can phù tỳ.
Bài thuốc Thống tả yếu phương: bạch truật 12g, trần bì 6g, bạch thược 8g, phòng phong 6g. Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày. Tùy chứng trạng của bệnh nhân có thể gia giảm và dùng liều lượng cho thích hợp. Một số vị thuốc trong bài Tiêu giao tán.
Một số vị thuốc trong bài Tiêu giao tán.
Do can khí uất kết, tỳ mất sự kiện vận mà gây nên bệnh phúc thống (đau bụng)
Triệu chứng: Bệnh nhân ăn kém, bụng trướng đầy, có khi đau lan tỏa xuống bụng dưới, hoặc đau không cố định, khi ợ hơi hoặc trung tiện thì đỡ đau.
Phép trị: Sơ can lý khí.
Bài thuốc: Sài hồ sơ can tán. Tùy chứng trạng của bệnh nhân mà gia giảm và dùng liều lượng cho thích hợp, ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày sau khi ăn, uống khi thuốc còn ấm.
Do tình chí uất ức, can khí nghịch loạn, làm mất chức năng sơ tiết
Hai mạch xung nhâm không điều hòa, can uất lấn tỳ, tỳ hư không thống huyết, huyết hải tràn ứ thất thường mà sinh bệnh kinh nguyệt không đều.
Triệu chứng: Theo Bác sĩ Y học cổ truyền Nguyễn Hữu Định – giảng viên Trường Cao đẳng Dược Pasteur triệu chứng bệnh nhân là ra kinh trước kỳ, hoặc sau kỳ, lượng kinh có thể nhiều, có thể ít, hành kinh khó khăn, sắc kinh tối, có hòn cục, ngực sườn và hai bầu vú căng cứng, bụng dưới trướng nặng và đau, có khi phiền táo, giận giữ, biếng ăn…
Phép trị: Sơ can kiện tỳ, dưỡng huyết điều kinh.
Bài thuốc: Tiêu giao tán: sài hồ 8g, đương quy 12g, bạch truật 12g, sinh khương 8g, bạch thược 12g, bạch linh 12g, cam thảo 6g, bạc hà 4g. Tùy chứng trạng của bệnh nhân mà dùng liều lượng và gia giảm cho thích hợp. Ngày uống một thang, có thể tán bột mịn uống ngày 3 lần mỗi lần uống 6-8g.
Do cơ thể bị cảm nhiễm thấp tà, tỳ mất sự kiện vận, thủy thấp ứ đọng can, khí huyết ngưng trệ, mạch lạc ứ nghẽn, dần dần phát sinh cổ trướng
Triệu chứng: Trên lâm sàng nghiêng về khí trệ thấp nghẽn, cho nên bụng to ấn vào không rắn, da bụng căng, dưới sườn trướng đầy, đau, ăn kém, sau khi ăn thì bụng đầy trướng, ợ hơi khó chịu, tiểu tiện sẻn, ít, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch huyền.
Phép trị: Sơ can lý khí, trừ thấp tiêu đầy.
Bài thuốc: Sài hồ sơ can tán, phối hợp với bài Vị linh thang (Bài Sài hồ sơ can tán đã ghi ở phần trên). Bài Vị linh thang: thương truật 12g, hậu phác 10g, trần bì 6g, trạch tả 12g, trư linh 8g, cam thảo 4g, nhục quế 4g, bạch truật 8g, phục linh 8g, sinh khương 5 lát. Tùy chứng trạng của bệnh nhân mà gia giảm và dùng liều lượng cho thích hợp. Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống lúc đói, khi thuốc còn ấm.
Bài thuốc chữa chứng can mộc khắc tỳ thổ
Do bệnh nhân mệt mỏi, phiền táo, hay cáu giận làm hại can
Can khí hoành nghịch phạm tỳ, tỳ mất chức năng vận hóa, sinh ra thấp trọc, thấp nhiệt uất lâu ngày hóa nhiệt, thấp nhiệt dồn xuống, làm tổn thương mạch xung và mạch đới mà sinh chứng đới hạ (khí hư ra nhiều)…
Triệu chứng: Bệnh nhân hoàng đới (khí hư có màu vàng) ra liên miên không dứt, keo dính có mùi hôi, hoặc chảy ra nước vàng có kèm theo huyết dịch. Bộ phận sinh dục nóng rát hoặc ngứa, miệng đắng họng khô, tâm phiền hay cáu giận, bụng trướng đầy, đại tiện phân nhão.
Điều trị: Sơ can thanh nhiệt lợi thấp.
Bài thuốc: Long đởm tả can thang: long đởm thảo 12g, trạch tả 8g, sinh địa 12g, sài hồ 4g, thông thảo 8g, xa tiền tử 8g, đương quy 12g. Tùy chứng trạng của bệnh nhân mà gia giảm và dùng liều lượng cho thích hợp. Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày sau khi ăn.
Nguồn: Y Dược học Việt Nam