Viêm túi mật trong Y học cổ truyền thuộc phạm trù “hiếp thống, phúc thống, hoàng đản”. Nguyên nhân là do can đởm khí uất, thấp nhiệt uẩn kết, trùng tích chức năng của can đởm bị trở ngại, lưu trệ, dịch mật ứ lâu không lưu thông thì ngưng trệ mà thành sỏi.
- Hướng dẫn cách xoa bóp bấm huyệt giúp bạn giải rượu
- Hướng dẫn cách Xoa bóp bấm huyệt trị chóng mặt hiệu quả
Biểu hiện của viêm túi mật như thế nào?
Biểu hiện: người bệnh đau tức ở vùng thượng vị, sát với bên phải mũi ức, có thể bị sốt, nôn hoặc vàng da, vàng mắt… nếu như có hiện tượng viêm tắc túi mật kèm theo. Đau dữ dội thành cơn ngay sau bữa ăn no hoặc nhiều mỡ hoặc ăn trứng, sữa…, đau lan ra sau lưng và xuyên lên bả vai phải. Ngoài việc dùng thuốc thì xoa bóp bấm huyệt là một phương pháp rất hiệu quả để giảm đau, chống viêm, nâng cao hiệu quả điều trị.
Xoa bóp bấm huyệt hỗ trợ điều trị viêm túi mật
– Người bệnh nằm sấp, người thao tác dùng hai ngón tay cái bấm huyệt can du, đởm du, cách du mỗi huyệt trong 1 – 2 phút. Khi thao tác, đầu ngón tay ấn xuống hướng về phía sống lưng ngực, người bệnh cảm thấy tại chỗ căng đau là được.
– Người bệnh nằm ngửa, người thao tác dùng 4 ngón tay chà xát từ vai phải đến bụng và dưới xương sườn cụt từ 3 – 5 phút, sau đó dùng bàn tay chà xát hai bên sườn cho nóng lên.
– Người bệnh nằm ngửa, người thao tác dùng ngón tay cái ấn vào các huyệt kỳ môn, chương môn, mỗi huyệt khoảng 2 phút.
Huyệt kỳ môn
– Người bệnh ngồi, người thao tác dùng hai đầu ngón tay cái bấm huyệt nội quan, dương lăng tuyền, mỗi huyệt trong 1 – 2 phút, sau đó dùng gồ các ngón tay gõ vào điểm đau ở phần lưng vai bên phải.
– Người bệnh nằm ngửa, hai chân co, hai bàn tay chồng lên nhau đặt lên bụng phần rốn rồi day xát lên xuống trong khoảng 5 phút, khi thấy bụng nóng lên là được.
Lưu ý: – Mỗi ngày có thể thực hiện 1 – 2 lần. Nên bấm một đợt khoảng 10 – 15 ngày liên tục.
– Người bệnh không nên ăn nhiều dầu mỡ, kiêng trứng, sữa… Trong đợt đau nên ăn thức ăn dễ tiêu. Sau khi ăn xong cần nằm nghỉ, tránh lao động nặng… Ngoài ra người bệnh cần đi khám và điều trị theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
– Không xoa bóp bấm huyệt trong các trường hợp có nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng. Người bệnh cần được thầy thuốc theo dõi để kịp thời can thiệp bằng y học hiện đại như phẫu thuật, chống nhiễm khuẩn, nhiễm độc…