Cây cam thảo nam là thảo dược phổ biến trong Đông y, có nhiều công dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tốt và tránh tác dụng phụ, cần sử dụng đúng liều lượng và phương pháp.
- Bài thuốc Đông y giúp hạ huyết áp tiêu viêm
- Những loại trà thảo mộc giúp tăng cường miễn dịch cho mùa thu đông
Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về cây cam thảo nam và cách sử dụng hợp lý qua bài viết dưới đây theo chia sẻ từ Thầy thuốc Y học cổ truyền công tác tại Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn!
Giới thiệu về cây cam thảo nam
Cây cam thảo nam còn được gọi với các tên khác như cam thảo đất, dã cam thảo hay thổ cam thảo. Đây là một loài cây thuộc họ Hoa Mõm Chó, có mùi thơm nhẹ đặc trưng, dễ chịu.
Cây cam thảo nam là loại cây thân thảo mọc thẳng, cao từ 30 đến 80 cm. Rễ cây hình trụ, thân nhẵn và phần gốc có khả năng hóa gỗ khi cây già. Lá cây mọc đối, dài khoảng 1,5 cm, rộng 8-12 mm, với phiến lá hình mác có răng cưa. Hoa của cây nhỏ, màu trắng và thường mọc đơn lẻ hoặc thành từng đôi giữa các lá. Quả của cây là loại nang, hình cầu và chứa nhiều hạt.
Toàn bộ cây cam thảo nam đều có thể sử dụng làm thuốc, từ rễ, thân, lá đến hoa. Cây có thể thu hoạch quanh năm, sau khi rửa sạch, có thể sử dụng tươi hoặc phơi khô để bảo quản. Trong Đông y, cam thảo nam được xem là vị thuốc có tính mát, vị ngọt đắng. Nó có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan, lợi tiểu, đồng thời hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường và cải thiện quá trình tiêu hóa.
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng cam thảo nam chứa nhiều hoạt chất có tác dụng chữa bệnh. Trong đó phải kể đến Allicin, Scopolamine, Mannitol, Dulcitol và một số axit hữu cơ khác. Nghiên cứu hiện đại cho thấy cây cam thảo nam có khả năng điều chỉnh mức đường huyết, hỗ trợ tiêu hóa protein và phân giải chất xơ. Ngoài ra, một số hoạt chất trong cây còn giúp giảm đau, chống viêm và tăng cường bổ máu.
Một số bài thuốc từ cây cam thảo nam
Dưới đây là một số bài thuốc đông y hữu ích từ cam thảo nam mà bạn có thể tham khảo để hỗ trợ điều trị một số bệnh lý:
- Thông tiểu, lợi tiểu: Xay 30 – 60g cam thảo nam tươi với 100 – 150ml nước lọc, lọc bỏ bã, pha nước với một ít đường phèn uống.
- Chữa mệt mỏi, biếng ăn: Sắc 4g cam thảo nam, 4g nhân sâm, 12g bạch truật, 12g bạch linh với 1 lít nước đến khi còn 400ml, uống 1 thang mỗi ngày.
- Chữa viêm họng, ho có đờm: Sắc 15g cam thảo nam, 10g lá bồng bông, 15g vỏ rễ cây dâu, uống 1 thang mỗi ngày.
- Chữa tiêu chảy, kiết lỵ: Sắc 15g cam thảo nam, 15g cỏ nhọ nồi, 15g sài đất, 20g cát cặn, 12g lá trắc bá để uống.
- Hỗ trợ điều trị tiểu đường: Sắc 10g cam thảo nam với 10g diệp hạ châu uống mỗi ngày.
Các bài thuốc từ cây cam thảo nam có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ điều trị một số bệnh lý thông thường. Tuy nhiên, khi sử dụng, bạn cần kiên trì và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có bất kỳ bất thường nào trong quá trình sử dụng thảo dược.
Lưu ý khi sử dụng cây cam thảo nam
Để đảm bảo hiệu quả và tránh tác dụng phụ, khi sử dụng cây cam thảo nam, bạn cần lưu ý một số điểm quan trọng:
- Liều lượng sử dụng: Tùy vào hình thức sử dụng (tươi hay khô), liều lượng cam thảo nam sẽ khác nhau. Đối với cây tươi, liều dùng khuyến cáo là từ 20 – 40g/ngày, còn với dược liệu khô, liều dùng nên từ 8 – 12g/ngày.
- Cách sử dụng: Có thể dùng cam thảo nam đơn lẻ hoặc kết hợp với các thảo dược khác tùy theo tình trạng bệnh lý. Tuy nhiên, cần lưu ý không lạm dụng cây cam thảo nam.
- Phân biệt cam thảo nam và cam thảo bắc: Mặc dù hai loài cây này có tên gọi giống nhau, nhưng công dụng của chúng khác biệt. Cam thảo nam chủ yếu hỗ trợ điều trị tiểu đường, làm lành vết thương và lợi tiểu, trong khi cam thảo bắc có tác dụng nhuận tràng, chữa viêm loét dạ dày, chống co thắt.
- Kiên nhẫn khi sử dụng: Các dược liệu thiên nhiên như cam thảo nam thường mang lại hiệu quả chậm hơn so với thuốc Tây y. Vì vậy, bạn cần kiên trì sử dụng để đạt được kết quả tốt nhất.
Bác sĩ giảng viên Cao đẳng Y Sài Gòn cho biết nếu trong quá trình sử dụng cây cam thảo nam bạn gặp phải các triệu chứng bất thường, hãy ngừng sử dụng ngay và tham khảo ý kiến bác sĩ.